Hard Fork là gì trong blockchain? Vì sao cần Hard Fork & cách hoạt động?

Thảo luận, hỏi đáp, cập nhật tin tức về giao dịch coin, forex, chứng khoán ở đây: Discord Dautu.IO

Trong khi tìm hiểu về các dự án tiền điện tử khác nhau, chắc hẳn bạn sẽ thấy thuật ngữ Hard Fork nhưng có thể bạn chưa hiểu đúng về nó. Vậy hôm nay, dautu.io sẽ giúp các bạn hiểu chính xác Hard Fork là gì trong blockchain, vì sao lại có Hard Fork và nguyên lý hoạt động của nó.

Hard Fork là gì trong blockchain?

Hard Fork là gì?

Hard Fork là việc chia 1 blockchain thành 2 blockchain riêng biệt khác nhau, tạo ra 2 phiên bản của blockchain hoàn toàn độc lập với nhau. Điều này có nghĩa là các node chạy trên phiên bản mới của blockchain này sẽ không thể thực hiện các giao dịch đang được thực hiện trên phiên bản cũ và ngược lại.

Công nghệ blockchain được tạo ra nhằm giúp cho việc lưu trữ dữ liệu là bất biến, không thể thay đổi. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, sẽ có những vấn đề xảy ra khiến những người trong cùng cộng đồng có sự bất đồng quan điểm hoặc muốn nâng cấp để blockchain hoạt động tốt hơn và điều này đã tạo ra Hard Fork.

Một đợt Hard Fork yêu cầu tất cả các node hoặc người dùng phải nâng cấp lên phiên bản mới nhất của phần mềm giao thức.

Hard Fork coin là gì

Điều gì xảy ra với tiền điện tử sau một đợt Hard Fork?

Khi có một đợt Hard Fork, tiền điện tử liên quan của nó sẽ chia thành 2 là phiên bản gốc và phiên bản mới. Người nắm giữ tiền điện tử ban đầu có thể nhận được số coin tương đương bằng coin mới hoặc chia theo tỷ lệ nào đó. Thông thường cả 2 coin này đều sẽ được cộng đồng chấp nhận nhưng một loại sẽ vẫn chiếm ưu thế.

Mặc dù điều này có vẻ như bạn sẽ có thêm một coin mới bên cạnh coin cũ nhưng thường thì giá của một trong các loại tiền điện tử sẽ thấp hơn nhiều so với giá trị của loại tiền kia, vì vậy tổng giá trị của bạn sẽ vẫn tương tự mặc dù bạn sẽ có nhiều coin hơn.

Ví dụ về Hard Fork của Ethereum

Vào tháng 6/2016, có một vụ hack đã xảy ra trên Ethereum và khiến số tiền khoảng 50 triệu USD của nhà đầu tư bị đánh cắp. Vụ hack này diễn ra ở khối blockchain thứ 1.920.000 và Ethereum đã có 2 luồng ý kiến trái chiều.

  • 85% muốn đảo ngược lại blockchain Ethereum để quay về trước thời điểm bị hack, lấy lại số tiền mà hacker đã chiếm mất của NĐT.
  • 15% còn lại không muốn làm vậy vì quan điểm của họ chính là “duy trì một cuốn sổ cái 100% bất biến” theo như ý nghĩa ban đầu của việc tạo ra blockchain.

=> Kết quả là tháng 7/2016, blockchain của Ethereum đã tiến hành hard fork để chia blockchain Ethereum thành 2 blockchain khác nhau. Blockchain mới (theo 85% số đông) vẫn để tên là Ethereum (ETH) như hiện tại còn blockchain cũ thì đổi tên thành Ethereum Classic (ETC).

Hiện nay thì Ethereum (ETH) có giá $ 1,590.39 còn Ethereum Classic (ETC) lại chỉ có giá $ 22.29, đây là một sự cách biệt rất lớn sau khi diễn ra hard fork của Ethereum.

Cách hoạt động của Hard Fork

Việc Hard Fork trong blockchain có thể xảy ra đối với bất kỳ dự án tiền điện tử nào, không chỉ riêng Bitcoin. Nguyên nhân là bởi vì blockchain và tiền điện tử về cơ bản hoạt động theo cùng một cách bất kể chúng trên nền tảng nào.

Bởi vì những người thợ đào trong một blockchain đặt ra các quy tắc cho việc di chuyển dữ liệu trong mạng, khi hard fork sẽ có những quy tắc mới được đặt ra và những minner cần hiểu các quy tắc mới này.

Tuy nhiên, tất cả các minner cần phải đồng ý về các quy tắc mới và về những gì bao gồm một khối hợp lệ trong chuỗi. Vì vậy, khi bạn muốn thay đổi những quy tắc đó, bạn cần phải “fork” — giống như ngã ba trên đường — để cho biết rằng đã có sự thay đổi hoặc chuyển hướng đối với giao thức. Sau đó, các nhà phát triển có thể cập nhật tất cả phần mềm để phản ánh các quy tắc mới.

Hard Fork là gì? Cách hoạt động của Hard Fork

Nguyên nhân tại sao lại có Hard Fork?

Có một vài nguyên nhân chính của việc hard fork một blockchain đó là:

  • Có sự bất đồng quan điểm trong một vấn đề gì đó của cộng đồng blockchain khiến họ muốn tách blockchain ra thành 2 lối đi riêng.

  • Phát hiện ra vấn đề về bảo mật của blockchain và tiến hành hard fork để sửa lại lỗi bảo mật này.

  • Đảo ngược giao dịch giống như cách mà Ethereum đã làm để ngăn chặn cuộc tấn công và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

  • Thêm chức năng mới cho blockchain, nâng cấp blockchain để giúp blockchain hoạt động tốt hơn, thích ứng với nhu cầu hiện tại của ngành công nghiệp tiền điện tử. Ví dụ như blockchain ban đầu không có chức năng hợp đồng thông minh, NFT chẳng hạn, sau đó team phát triển blockchain quyết định nâng cấp blockchain và tiến hành hard fork.

Hard Fork và Soft Fork khác nhau như thế nào?

Hard Fork là gì? So sánh Hard Fork và Soft Fork

Không giống như Hard Fork, Soft fork là một fork vẫn cho phép các node của blockchain mới giao tiếp với các node của blockchain cũ và ngược lại. Điều đó có nghĩa là, trong khi các bản cập nhật được thực hiện, không cần phải tạo một blockchain hoàn toàn mới.

Vì các node cũ vẫn có thể tương tác với các bản cập nhật này, nên một soft fork không cần phải yêu cầu sự chấp thuận từ những thợ đào và cũng không gây ra tranh cãi gì cả..

Soft fork thường sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề lớn về tính năng hay bảo mật nào vì blockchain không được thay đổi đủ cơ sở để khắc phục tình hình.

Ưu điểm và nhược điểm của Hard Fork là gì?

Ưu điểm của Hard Fork

  • Tiềm năng cho khả năng nâng cao của blockchain về lưu trữ dữ liệu, phí và tốc độ giao dịch
  • Tạo tài sản kỹ thuật số mới cho mạng và được cung cấp dưới dạng airdrop cho người dùng từ Hardfork. Tức là người dùng sẽ có thể sở hữu thêm coin mới trong khi lượng coin cũ vẫn giữ nguyên.
  • Đảo ngược lại giao dịch giúp cho NĐT lấy được số tiền bị hack giống như Ethereum
Nhược điểm của Hard Fork

  • Hardfork thường ảnh hưởng đến giá trị thị trường của tài sản hiện có, mang lại sự biến động cao cho tiền tệ.
  • Sau khi ra mắt phiên bản mới của blockchain thì 2 phiên bản này sẽ bị đem ra so sánh và có sự chênh lệch lớn về giá trị của coin giữa 2 phiên bản.
  • Gây chia rẽ cộng đồng ban đầu, khiến họ tách nhau ra để làm việc trong môi trường khác nhau và cần thêm nhân lực để thực hiện phát triển blockchain mới khi nhân lực hiện có bị chia ra.

Các đợt hard fork blockchain đáng chú ý

Ethereum Hard Fork

Như đã nói ở trên, Ethereum Hard Fork đáng chú ý nhất là vào năm 2016 khi tách thành Ethereum Classic.

Ngoài ra, có một đợt Hard Fork gần đây của Ethereum có tên là “London Hard Fork”, được nâng cấp lớn để phát triển cách thức tính phí giao dịch. Hard fork bao gồm các Đề xuất cải tiến Ethereum (EIP), trong đó một phần phí gas sẽ bị đốt cháy khỏi quá trình lưu thông. Đợt hard fork này diễn ra vào 5/8/2021 và giá ETH cũng tăng khá mạnh khi từ mức 2.724$ lên tới 3.894$ chỉ sau 1 tháng.

Bitcoin Cash Hard Fork

Đợt Hard Fork đầu tiên của Bitcoin xảy ra vào tháng 8/2017 do tắc nghẽn mạng do giới hạn kích thước khối chỉ là 1 MB. Đợt fork này nhằm mục đích tăng kích thước khối lên 8 MB và giới thiệu “Bitcoin Cash”, hứa hẹn lưu trữ dữ liệu bổ sung bên ngoài blockchain với quy trình giao dịch nhanh hơn bằng cách sử dụng Khối Delta với thuật toán Proof of Work (POW).

Tuy nhiên hiện tại thì Bitcoin có giá $ 21,353.72 trong khi Bitcoin Cash có giá chỉ $ 123.51.

Ngoài việc fork Bitcoin thành Bitcoin Cash thì còn nhiều bản fork của Bitcoin khác với những tính năng khác nhau. Bạn có thể xem thêm tại: Bitcoin Fork là gì? Các Bitcoin Fork nổi tiếng nhất lịch sử

Terra (LUNA) Hard Fork

Sự kiện LUNA – UST bị sập vào ngày 11/5/2022 khiến UST không thể tiếp tục duy trì tỷ lệ 1:1 với USD đã khiến hàng tỷ USD của nhà đầu tư bị mất trắng. Sự kiện này đã làm sụp đổ niềm tin của cộng đồng tiền điện tử đối với Terra cũng làm thị trường tiền điện tử xảy ra đợt bán tháo mạnh, nhất là đối với DeFi.

Sau đó Terra đã tiến hành hard fork LUNA thành Luna Classic (LUNC) và Terra (LUNA) với mong muốn hồi sinh hệ sinh thái Terra (LUNA) của Do Kwon.

Tuy nhiên vì niềm tin của nhà đầu tư đã không còn sau vụ sập này nên giá trị của cả LUNC lẫn LUNA mới đều không thể trở về thời hoàng kim như thời kỳ trước đó của Terra được. Tương lai của Terra – đồng tiền từng nằm trong top 20 vốn hóa hàng đầu thế giới sẽ ra sao thì chưa ai biết được. Tuy nhiên vì niềm tin của nhà đầu tư đã không còn nên rất khó để Terra có thể trở về như xưa.

Cardano Hard Fork Vasil

Sự kiện Cardano Hard Fork Vasil đang được mong đợi trong thời gian gần đây, theo đó, đợt Hard Fork này sẽ giúp cho việc xây dựng Dapp trên Cardano tăng thêm tỷ lệ phần trăm lớn.

Tính năng đáng chú ý của Vasil hard fork là sự ra đời của pipelining, điều này sẽ tăng cường sự khuếch tán khối để mở rộng quy mô tốt hơn. Ngoài ra còn có nhiều tính năng, bao gồm nâng cao CIP 31, 32 và 33.

Theo dự kiến thì Cardano Hard Fork Vasil sẽ diễn ra vào 29/6/2022 nhưng theo thông tin cập nhật mới nhất của dự án thì Hard Fork Vasil sẽ không thể diễn ra vào 29/6/2022 mà có thể diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng 7/2022.

Qua đây, mong rằng bạn đã hiểu Hard Fork là gì trong blockchain cũng như những ưu nhược điểm sau khi xảy ra Hard Fork. Nếu như bạn còn thắc mắc gì, hãy để lại comment để được giải đáp trong vòng 24h.


Source link

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *